Hỏi Đáp Pháp LuậtDanh mục đơn: DÂN SỰGiám hộ cho người chưa mất năng lực hành vi dân sự
Lương Thị Phương Thảo hỏi 7 năm trước

Cần phải làm gì để tôi được làm người giám hộ cho mẹ tôi khi bà chưa mất năng lực hành vi dân sự

Vạn Luật Nhân viên trả lời 7 năm trước

Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật dân sự (gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (gọi chung là người được giám hộ).
Theo quy định tại Điều 47 Bộ luật dân sự, người được giám hộ bao gồm:
– Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;
– Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;
– Người mất năng lực hành vi dân sự;
– Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Trường hợp giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải được sự đồng ý của người đó nếu họ có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm yêu cầu.
Đối chiếu với trường hợp gia đình bạn, mẹ bạn đã thành niên, không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự; nếu mẹ bạn thuộc trường hợp người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì bạn có thể thực hiện thủ tục theo quy định của pháp luật để yêu cầu chỉ định người giám hộ cho mẹ bạn.
Thủ tục:
– Quyền yêu cầu tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (Điều 376 Bộ luật tố tụng dân sự 2015):
+ Người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật dân sự.
+ Người thành niên không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi do tình trạng thể chất, tinh thần nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố họ là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật dân sự.
Bạn có thể gửi đơn yêu cầu đến Tòa án nơi mẹ bạn cư trú, làm việc để yêu cầu tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
– Tòa án có thể trưng cầu giám định sức khoẻ, bệnh tật của người bị yêu cầu tuyên bố bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc giám định pháp y tâm thần đối với người bị yêu cầu tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Trong trường hợp này, khi nhận được kết luận giám định, Tòa án phải ra quyết định mở phiên họp để xét đơn yêu cầu.
– Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Trong quyết định tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, Tòa án chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.