Ông nội tôi bị tai biến nên các hoạt động cá nhân cũng như nhận thức rất khó khăn (đều cần người khác hỗ trợ). Sau khi xuất viện về nhà thì bác tôi (con trai lớn của ông nội) đã viết Giấy ủy quyền cho bác lập di chúc để lại toàn bộ quyền sử dụng đất cho bác. Bác đã lấy tay ông nội để điểm chỉ lên Giấy ủy quyền. Khi tôi hỏi thì ông nội nói không đồng ý và bị ép do sức khỏe đang rất yếu. Tôi muốn hỏi Giấy ủy quyền này có hợp pháp hay không? Nếu ông nội tôi lập di chúc và ủy quyền cho người khác đi công chứng có được hay không?
Giấy ủy quyền là một dạng của giao dịch dân sự nên điều kiện có hiệu lực của giấy ủy quyền phải đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau:
– Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
– Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
– Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Như vậy, có thể nhận thấy giấy ủy quyền giữa ông nội và bác của bạn vi phạm điều kiện có hiệu lực nêu trên (ông nội bạn không hoàn toàn tự nguyện). Chính vì vậy, giấy ủy quyền không hợp pháp.
Về vấn đề ủy quyền đi công chứng di chúc, pháp luật yêu cầu người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng và không được ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc (khoản 1 Điều 56 Luật công chứng năm 2014). Như vậy, nếu ông nội bạn lập di chúc thì không được ủy quyền cho người khác đi công chứng di chúc. Nếu ông nội bạn không thể đi yêu cầu công chứng được thì có thể mời Công chứng viên đến nhà để công chứng việc lập di chúc (khoản 2 Điều 44 Luật công chứng năm 2014). Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng di chúc không nhất thiết phải được lập thành văn bản (có thể lập bằng miệng); nếu lập thành văn bản không nhất thiết phải công chứng hoặc chứng thực (xem các điều từ 627 đến 636 Bộ luật dân sự năm 2015). Bên cạnh đó, người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép; nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật (khoản 1 Điều 630 Bộ luật dân sự năm 2015).