Hỏi Đáp Pháp LuậtDanh mục đơn: THI HÀNH ÁN DÂN SỰQuy định về việc tuyển chọn, bổ nhiệm Chấp hành viên không qua thi tuyển
Ngô Thị Ngọc Viên hỏi 7 năm trước

Tôi là công chức một cơ quan thi hành án dân sự của một huyện biên giới của tỉnh Nghệ An (khu vực có hệ số 0,5). Tôi đã làm việc 5 năm tại huyện biên giới, đã được đi học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thi hành án lớp Chấp hành viên sơ cấp. Để được bổ nhiệm chấp hành viên không qua thi tuyển theo Điều 63 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự tôi cần phải làm những thủ tục gì?

Vạn Luật Nhân viên trả lời 7 năm trước

Điều 63 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự quy định việc tuyển chọn và bổ nhiệm Chấp hành viên như sau:
– Việc tuyển chọn, bổ nhiệm Chấp hành viên không qua thi tuyển thuộc địa bàn biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2015 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2020, khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện, không phải là đơn vị thủ phủ của tỉnh, có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,3 trở lên, thuộc biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;
+ Người được tuyển chọn để bổ nhiệm Chấp hành viên có đơn cam kết tình nguyện công tác tại cơ quan thi hành án dân sự nêu trên (điểm a khoản 1 Điều 63 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP) từ 05 năm trở lên.
– Danh sách các cơ quan thi hành án dân sự thuộc địa bàn được tuyển chọn, bổ nhiệm Chấp hành viên không qua thi tuyển theo Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
– Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chấp hành viên đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 63 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định theo đề nghị của Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên.
– Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên được thành lập ở cấp tỉnh, gồm Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch hoặc 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Phó Chủ tịch Hội đồng là Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự; các Ủy viên là đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, thường trực Ban Chấp hành Hội Luật gia cấp tỉnh; thư ký giúp việc là Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ Cục Thi hành án dân sự. Danh sách Hội đồng do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể. Phiên họp của Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng triệu tập theo đề nghị của Cục trưởng Thi hành án dân sự. Hội đồng chỉ tiến hành phiên họp khi có ít nhất hai phần ba số thành viên trở lên tham gia. Mọi quyết định của Hội đồng được thông qua tại phiên họp của Hội đồng; thông qua quyết định khi có quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.
Hướng dẫn thực hiện quy định nêu trên, Điều 64 Thông tư số 02/2017/TT-BTP ngày 23/03/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành hướng dẫn một số nội dung quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc hệ thống tổ chức thi hành án dân sự, quy định hồ sơ bổ nhiệm Chấp hành viên đối với các trường hợp này, bao gồm:
– Tờ trình của Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên;
– Biên bản họp Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên;
– Đơn đề nghị bổ nhiệm Chấp hành viên của công chức theo mẫu tại Phụ lục số 3 ban hành kèm theo Thông tư số 02/2017/TT-BTP;
– Tài liệu quy định tại các điểm b, d, đ, e khoản 1 Điều 63 Thông tư số 02/2017/TT-BTP, cụ thể bao gồm:
+ Sơ yếu lý lịch theo mẫu do Bộ Nội vụ ban hành có xác nhận của cơ quan quản lý công chức hoặc theo quy định của Bộ Quốc phòng đối với trường hợp bổ nhiệm Chấp hành viên trong quân đội;
+ Giấy chứng nhận sức khoẻ do bệnh viện đa khoa cấp huyện trở lên cấp còn trong thời hạn quy định;
+ Bản kê khai tài sản;
+ Bản sao các văn bằng, chứng chỉ có chứng thực.