Lưu ý: Khái niệm Sổ đỏ được sử dụng trong bài viết được dùng để chỉ Giấy chứng nhận quyền sở dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở…
Sống chung như vợ chồng có được cùng đứng tên trên Sổ đỏ?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, nếu tài sản thuộc sở hữu chung của vợ, chồng mà luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu như nhà ở, đất đai… thì giấy chứng nhận (Sổ đỏ) phải ghi tên cả hai vợ, chồng trừ trường hợp vợ, chồng có thỏa thuận khác.
Như vậy, trong thời kỳ hôn nhân, nếu hai vợ, chồng có tài sản chung là nhà, đất thì Sổ đỏ sẽ đứng tên của hai vợ, chồng trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Tuy nhiên, với nam, nữ sống chung với nhau như vợ, chồng theo phân tích trên thì không được công nhận là vợ, chồng. Tài sản do hai bên có được trong thời gian chung sống với nhau cũng không được coi là tài sản chung vợ, chồng và sẽ không được thực hiện theo quy định nêu trên.
Về việc giải quyết quan hệ tài sản trong trường hợp này, khoản 1 Điều 16 Luật Hôn nhân và Gia đình nêu rõ:
– Quan hệ tài sản giữa hai người nam, nữ chung sống với nhau như vợ, chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận của các bên.
– Nếu các bên không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự cũng như các quy định liên quan khác.
Theo đó, căn cứ Điều 207 Bộ luật Dân sự 2015, sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể với tài sản, gồm: Sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất.
Cũng tại Bộ luật Dân sự, có sở hữu chung của cộng đồng như sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, bản, làng, buôn… hay sở hữu chung của các thành viên trong gia đình; của vợ, chồng; trong nhà chung cư hoặc sở hữu chung hỗn hợp…
Như vậy, nếu hai người không có quan hệ hôn nhân vẫn hoàn toàn có quyền cùng sở hữu tài sản và được xác lập theo thỏa thuận, theo quy định của pháp luật hoặc theo tập quán.
Về việc cấp Sổ đỏ, khoản 2 Điều 135 Luật Đất đai 2024 nêu rõ:
2. Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung tài sản gắn liền với đất thì cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; trường hợp những người có chung quyền sử dụng đất, chung quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất có yêu cầu thì cấp chung 01 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và trao cho người đại diện.
Từ quy định này có thể thấy, hai người không phải vợ, chồng hoàn toàn có quyền cùng đứng tên trên Sổ đỏ. Khi đó, Sổ đỏ phải ghi đầy đủ tên của những người này và sẽ cấp cho mỗi người một Sổ đỏ.
Nếu những người cùng sở hữu chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở… có yêu cầu thì hoàn toàn được cấp chung một Sổ đỏ và trao cho người đại diện.
Nói tóm lại, về vấn đề nam, nữ sống chung như vợ, chồng có được cùng đứng tên trên Sổ đỏ không thì câu trả lời là có.
Đây sẽ là tài sản thuộc sở hữu chung và thực hiện theo thỏa thuận của cả hai mà không được xem là tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân bởi sống chung như vợ, chồng không đăng ký kết hôn không được công nhận là vợ, chồng hợp pháp.
Sống chung như vợ, chồng không được công nhận là vợ chồng
Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn
Định nghĩa này được nêu tại khoản 1 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình. Đồng thời, theo giải thích tại khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, kết hôn là việc nam, nữ xác lập quan hệ vợ, chòng về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.
Về việc chung sống như vợ chồng, khoản 7 Điều 3 Luật này định nghĩa:
Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng
Có thể thấy, chỉ quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo Luật Hôn nhân và Gia đình cũng như đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì mới được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Còn nam, nữ sống chung với nhau như vợ, chồng sẽ không được công nhận.
Thậm chí, nếu người đang có vợ, đang có chồng mà chung sống với người khác còn là một trong các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình.
Đây cũng là quy định được nêu tại Điều 3 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP. Cụ thể, nam và nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 01/01/2001 trở đi mà không đăng ký kết hôn thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng.
Về hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ, chồng mà không đăng ký kết hôn thì khoản 1 Điều 14 Luật Hôn nhân và Gia đình nêu rõ:
Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng.
Dù vậy, vẫn có hai trường hợp ngoại lệ là:
– Nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước 03/01/1987: Được khuyến khích và tạo điều kiện để đăng ký kết hôn.
– Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ 03/01/1987 đến trước 01/01/2001: Phải đăng ký kết hôn trước ngày 01/01/2003.
Căn cứ các quy định trên, hiện nay, nam, nữ chung sống với nhau như vợ, chồng không được công nhận là vợ, chồng; không được pháp luật bảo vệ và không phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng.