Ngày 15/11/2024, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 38/2024/TT-BGTVT quy định tốc độ tối đa của các loại xe từ năm 2025.
1. Tốc độ tối đa của xe máy từ năm 2025
Tốc độ tối đa của xe máy từ năm 2025 như sau:
Tốc độ khai thác tối đa (km/h) | ||
Đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên | Đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới | |
Trong khu vực đông dân cư | 60 | 50 |
Ngoài khu vực đông dân cư | 70 | 60 |
– Đường bộ trong khu đông dân cư là đoạn đường bộ nằm trong khu vực nội thành phố, nội thị xã, nội thị trấn và những đoạn đường có đông dân cư sinh sống sát dọc theo đường, được xác định bằng biển báo “Bắt đầu khu đông dân cư” và biển báo “Hết khu đông dân cư”. – Đường đôi là đường có chiều đi và chiều về được phân biệt bằng dải phân cách giữa. – Đường một chiều là đường chỉ cho đi một chiều. – Đường hai chiều là đường dùng chung cho cả chiều đi và về trên cùng một phần đường xe chạy mà không có dải phân cách giữa. |
2. Tốc độ tối đa của ô tô từ năm 2025
Tốc độ tối đa của xe ô tô từ năm 2025 (trừ đường cao tốc) như sau
>> Bảng tốc độ tối đa của xe ô tô trong và ngoài khu vực đông dân cư từ ngày 01/01/2025
Tốc độ khai thác tối đa (km/h) | ||
Đường đôi; đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên | Đường hai chiều; đường một chiều có một làn xe cơ giới | |
1. Trong khu vực đông dân cư | 60 | 50 |
2. Ngoài khu vực đông dân cư | ||
Xe ô tô chở người đến 28 chỗ không kể chỗ của người lái xe (trừ xe buýt); ô tô tải có trọng tải không lớn hơn 3,5 tấn | 90 | 80 |
Xe ô tô chở người trên 28 chỗ không kể chỗ người lái xe (trừ xe buýt); ô tô tải có trọng tải trên 3,5 tấn (trừ ô tô xi téc) | 80 | 70 |
Xe buýt; ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc (trừ ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc xi téc); ô tô chuyên dùng (trừ ô tô trộn vữa, ô tô trộn bê tông lưu động) | 70 | 60 |
Ô tô kéo rơ moóc; ô tô kéo xe khác; ô tô trộn vữa, ô tô trộn bê tông lưu động, ô tô xi téc, ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc xi téc, ô tô kéo theo rơ moóc xi téc) | 60 | 50 |
– Đường bộ trong khu đông dân cư là đoạn đường bộ nằm trong khu vực nội thành phố, nội thị xã, nội thị trấn và những đoạn đường có đông dân cư sinh sống sát dọc theo đường, được xác định bằng biển báo “Bắt đầu khu đông dân cư” và biển báo “Hết khu đông dân cư”. – Đường đôi là đường có chiều đi và chiều về được phân biệt bằng dải phân cách giữa. – Đường một chiều là đường chỉ cho đi một chiều. – Đường hai chiều là đường dùng chung cho cả chiều đi và về trên cùng một phần đường xe chạy mà không có dải phân cách giữa. |
3. Tốc độ tối đa của ô tô trên đường cao tốc từ năm 2025
– Đường cao tốc phải được đặt biển báo tốc độ khai thác tối đa, tốc độ khai thác tối thiểu.
– Tốc độ khai thác tối đa cho phép trên đường cao tốc là 120 km/h.
– Tốc độ khai thác tối thiểu cho phép trên đường cao tốc là 60 km/h. Trường hợp đường cao tốc có tốc độ thiết kế 60 km/h thì tốc độ khai thác tối thiểu thực hiện theo phương án tổ chức giao thông được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
– Trị số tốc độ khai thác tối đa, tối thiểu cho phép trên đường cao tốc, kể cả các đường nhánh ra, vào đường cao tốc được xác định trong phương án tổ chức giao thông được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Tốc độ tối đa của xe gắn máy từ năm 2025
Xe máy chuyên dùng, xe gắn máy và các loại xe tương tự khi tham gia giao thông, tốc độ khai thác tối đa là 40 km/h.
5. Tốc độ tối đa của xe bốn bánh từ năm 2025
– Xe chở người bốn bánh có gắn động cơ khi tham gia giao thông trong phạm vi và thời gian cho phép hoạt động, tốc độ khai thác tối đa là 30 km/h.
– Xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ khi tham gia giao thông trong phạm vi và thời gian cho phép hoạt động, tốc độ khai thác tối đa là 50 km/h.
6. Quy định về đặt biển báo tốc độ tối đa cho phép
– Việc đặt biển báo tốc độ khai thác thực hiện theo quy định của pháp luật về báo hiệu đường bộ và phải căn cứ vào điều kiện thực tế của đoạn tuyến, tuyến đường về: kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, lưu lượng, loại phương tiện và thời gian trong ngày.
– Cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 10 Thông tư 38/2024/TT-BGTVT quyết định đặt biển báo hiệu các trường hợp dưới đây:
+ Đối với đường đôi, đặt biển báo tốc độ khai thác tối đa riêng cho từng chiều đường;
+ Đặt biển báo tốc độ khai thác tối đa cho một khoảng thời gian trong ngày (biển phụ, biển điện tử);
+ Đặt biển báo tốc độ khai thác tối đa riêng đối với các loại phương tiện có nguy cơ mất an toàn giao thông cao;
+ Đặt biển báo tốc độ khai thác trong trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 10 Thông tư 38/2024/TT-BGTVT.
– Cơ quan có thẩm quyền quyết định đặt biển báo đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư 38/2024/TT-BGTVT, bao gồm:
+ Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường Cao tốc Việt Nam đối với đường cao tốc được Bộ Giao thông vận tải giao quản lý:
+ Cục Đường bộ Việt Nam đối với đường cao tốc do doanh nghiệp được Nhà nước giao quản lý, vận hành, khai thác; hệ thống quốc lộ và đường khác thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải;
+ Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với đường cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường thôn, đường đô thị và đường chuyên dùng có hoạt động giao thông công cộng thuộc phạm vi quản lý.
– Cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 10 Thông tư 38/2024/TT-BGTVT chủ trì, phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông trên tuyến, Ủy ban nhân cấp huyện nơi có đoạn đường cần đặt biển báo tốc độ cho phép để xem xét, quyết định tốc độ khai thác cho phép và tổ chức thực hiện đặt biển báo tốc độ trong các trường hợp sau:
+ Đường bộ đang khai thác nằm trong khu vực đông dân cư có điều kiện bất lợi (đường một chiều hoặc đường hai chiều có tổng bề rộng phần xe chạy nhỏ hơn 3,0m và tập trung công trình hạ tầng liên tiếp, sát mép phần xe chạy, tầm nhìn hạn chế).
+ Đường bộ đang khai thác nằm ngoài khu vực đông dân cư thuộc các đoạn đường cấp IV, cấp V, cấp VI và các đoạn đường theo cấp kỹ thuật quy định tại điểm d khoản 2 Điều 10 Luật Đường bộ, có điều kiện bất lợi, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra mất an toàn giao thông (bán kính đường cong nhỏ, đường cong liên tiếp, độ dốc dọc lớn, tầm nhìn hạn chế).