Hiện nay có nhiều công ty áp dụng hình xử phạt nhân viên đi làm muộn bằng cách trừ lương. Vậy các công ty này đã làm đúng quy định của pháp luật chưa? Cụ thể qua bài viết sau đây.
Công ty có được trừ lương nhân viên đi làm muộn không?
Theo Điều 117 Bộ luật lao động 2019 quy định kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định.
Mà trong đó, nội dung nội quy lao động được quy định tại Điều 118 Bộ luật lao động 2019 là không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan và bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
– Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
– Trật tự tại nơi làm việc;
– An toàn, vệ sinh lao động;
– Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
– Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động;
– Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động;
– Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động;
– Trách nhiệm vật chất;
– Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.
Theo đó, thời giờ làm việc là một trong những nội dung trong nội quy lao động, vì vậy nếu nhân viên vi phạm ở mức độ trong nội quy thì công ty được phép kỷ luật lao động.
Tuy nhiên, không phải muốn kỷ luật theo hình thức nào cũng được mà tại Điều 124 Bộ luật lao động 2019 quy định có 4 hình thức xử lý kỷ luật lao động như sau:
– Khiển trách.
– Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.
– Cách chức.
– Sa thải.
Như vậy, nếu công ty muốn kỷ luật lao động đối với nhân viên vi phạm nội quy công ty, tức đi làm muộn thì chỉ có thể xử lý theo 4 hình thức như trên và trong đó không có hình thức nào là trừ lương nhân viên. Vì vậy công ty không được trừ lương nhân viên đi làm muộn.
Công ty vẫn trừ lương nhân viên đi làm muộn thì có bị phạt không?
Theo khoản 3 điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm quy định về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất, trong đó:
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:
+ Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín hoặc nhân phẩm của người lao động khi xử lý kỷ luật lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
+ Dùng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động;
+ Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không quy định;
+ Áp dụng nhiều hình thức kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động;
+ Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây: nghỉ ốm đau; nghỉ điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động; đang bị tạm giữ; đang bị tạm giam; đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 Bộ luật lao động.
– Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc người sử dụng lao động trả lại khoản tiền đã thu hoặc trả đủ tiền lương cho người lao động đối với hành vi vi phạm.
Đồng thời, theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt tiền quy định đối với hành vi trên là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, công ty vẫn trừ lương nhân viên đi làm muộn thì sẽ bị phạt từ 40 – 80 triệu đồng, nếu người sử dụng lao động là cá nhân thì sẽ bị phạt từ 20 – 40 triệu đồng.