Vừa qua Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có Báo cáo nhanh công tác phòng, chống thiên tai ngày 11/9/2024. Trong đó, có thống kê thiệt hại do Bão số 3 và mưa lũ tính đến hôm nay (12/9/2024).
Thống kê thiệt hại do Bão số 3 và mưa lũ tính đến hôm nay
Theo Báo cáo nhanh công tác phòng, chống thiên tai ngày 11/9/2024 của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về tình hình thiệt hại như sau:
Theo báo cáo của các địa phương, một số thiệt hại bước đầu thống kê đến 07h00 ngày 12/9/2024 như sau:
– Về người: 325 người chết, mất tích (197 người chết, 128 người mất tích), tăng 124 người (Lào Cai 111, Yên Bái 04, Quảng Ninh 02, Bắc Giang 01, Sơn La 01, Phú Thọ 01, Thái Nguyên 02, Hoà Bình 02) so với báo cáo ngày 10/8. Trong đó:
+ Lào Cai: 177 người (82 người chết, 95 người mất tích), gồm: Bảo Yên 109, Sa Pa 09, Bát Xát 16, Si Ma Cai 07, Bắc Hà 34, Văn Bàn 02.
+ Cao Bằng: 52 người (34 người chết, 18 người mất tích).
+ Yên Bái: 44 người (42 người chết, 02 người mất tích), gồm: TP Yên Bái 21, Lục Yên: 14, Văn Yên 06, Văn Chấn 01, Trấn Yên 02.
+ Quảng Ninh: 15 người chết.
+ Hải Phòng: 02 người chết do bão.
+ Hải Dương: 01 người chết do bão.
+ Hà Nội: 01 người chết do bão.
+ Hòa Bình: 07 người chết do sạt lở đất.
+ Lạng Sơn: 03 người chết do lũ cuốn, sạt lở đất.
+ Bắc Giang: 02 người chết do lũ cuốn.
+ Tuyên Quang: 03 người do lũ (02 người chết, 01 người mất tích).
+ Hà Giang: 02 người (01 người chết; 01 người mất tích).
+ Lai Châu: 01 người chết do sạt lở đất.
+ Sơn La: 01 người mất tích do lũ cuốn.
+ Vĩnh phúc: 02 người (01 chết, 01 người mất tích do lật thuyền).
+ Phú Thọ: 10 người (08 người mất tích tại sự cố sập cầu Phong Châu; 01 người mất tích do lũ; 01 người chết do sạt lở đất).
+ Thái Nguyên: 02 người chết do lũ.
– Người bị thương: 807 người, trong đó: Quảng Ninh 536, Hải Phòng 49, Hải Dương 05, Hà Nội 23, Bắc Giang 07, Bắc Ninh 52, Hà Giang 01, Lạng Sơn 10, Lào Cai 69, Yên Bái 23, Cao Bằng 17, Phú Thọ 05, Bắc Kạn 03, Hoà Bình 03, Vĩnh Phúc 02, Thanh Hoá 02.
– Nhà hư hỏng: 130.268 nhà (tăng 28.924 nhà). Trong đó: Quảng Ninh 70.629, Hải Phòng 36.675, Bắc Ninh 3.472, Lạng Sơn 2.990, Bắc Giang 3.289, Yên Bái 1.378,…; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gẫy đổ la liệt trên các tuyến đường tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội,…
– Nhà bị ngập: 57.857 nhà (tăng 17.732 nhà). Trong đó: (Nam Định 959; Hà Nội 6.521; Yên Bái 21.288; Lạng Sơn 6.614; Thanh Hóa 144; Lào Cai 2.930; Thái Nguyên 5.000; Bắc Kạn 342; Sơn La 296; Hà Giang 664; Tuyên Quang 10.489; Ninh Bình 2.604).
– Về nông nghiệp:
+ 195.929 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại (tăng 35.078ha). Trong đó Hải Phòng 23.870ha; Nam Định 30.271ha; Thái Bình 11.000ha; Hà Nội 27.318ha; Hưng Yên 2.012ha; Hải Dương 20.467ha; Hà Nam 7.928ha; Bắc Giang 18.779ha; Bắc Ninh 4.711ha; Lạng Sơn 5.220ha; Vĩnh Phúc 9.054ha; Thái Nguyên 7.332ha; Tuyên Quang 4.362ha,…
+ 35.010 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại (tăng 4.310ha); tập trung tại Hải Phòng 2.500ha; Thái Bình 3.345ha; Hà Nội 4.046ha; Hải Dương 3.159ha; Bắc Giang 1.981ha; Hoà Bình 6.728ha; Phú Thọ 1.631ha; Lạng Sơn 1.849ha,…
+ 22.237 ha cây ăn quả bị hư hại (tập trung tại Hải Phòng 2.130ha; Thái Bình 1.385ha; Hà Nội 3.924ha; Hưng Yên 2.953ha; Hải Dương 3.163ha; Bắc Giang 6.669ha,…).
+ 1.791 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi (tập trung Quảng Ninh 1.000, Hải Dương 300,…).
+ 2.502 con gia súc, 1.523.345 con gia cầm bị chết (tập trung ở Hải Dương 388.605, Hải Phòng 644.452 gia cầm; Thái Nguyên 292.696).
– Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng: 12 đoạn đường dây 500kV, 36 đường dây 220kV, 173 đường dây 110kV bị sự cố và 5.305 cột điện bị gãy đổ.
Các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại.
Có các biện pháp nào để phòng chống lũ lụt?
Theo khoản 1 Điều 26 Luật Phòng, chống thiên tai 2013 sửa đổi bởi điểm d khoản 4 Điều 54 Luật Phòng thủ dân sự 2023 quy định biện pháp cơ bản phòng chống lũ lụt như sau:
Căn cứ vào loại thiên tai, cấp độ rủi ro thiên tai xảy ra, Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia; ban chỉ huy phòng thủ dân sự Bộ, cơ quan ngang Bộ; ban chỉ huy phòng thủ dân sự địa phương quyết định lựa chọn một hoặc một số biện pháp phù hợp sau đây:
– Sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không bảo đảm an toàn; tập trung triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho người, đặc biệt đối tượng dễ bị tổn thương trong tình huống thiên tai khẩn cấp;
– Di chuyển tàu thuyền, phương tiện nuôi trồng thuỷ sản trên biển, ven biển, trên sông ra khỏi khu vực nguy hiểm; tổ chức kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu hoặc thực hiện biện pháp khác để bảo đảm an toàn;
– Thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn đối với nhà cửa, công sở, bệnh viện, trường học, kho tàng, công trình và cơ sở kinh tế, an ninh, quốc phòng;
– Chủ động thực hiện biện pháp bảo vệ sản xuất;
– Kiểm tra, phát hiện và xử lý sự cố công trình phòng, chống thiên tai, công trình trọng điểm về kinh tế – xã hội và an ninh, quốc phòng;
– Giám sát, hướng dẫn và chủ động thực hiện việc hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm trên sông, trên biển, khu vực và tuyến đường bị ngập sâu, khu vực có nguy cơ sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy và khu vực nguy hiểm khác;
– Bảo đảm giao thông và thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai;
– Thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu chữa người bị thương, hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm khác tại khu vực bị chia cắt, khu vực ngập lụt nghiêm trọng và địa điểm sơ tán;
– Bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân tại khu vực xảy ra thiên tai;
– Huy động khẩn cấp và tuân thủ quyết định chỉ đạo, huy động khẩn cấp về nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để kịp thời ứng phó với thiên tai.
Như vậy, đối với phòng chống lũ lụt thì sẽ có các biện pháp theo quy định trên. Khi xảy ra lũ lụt, người dân cần hết sức bình tĩnh ứng phó, tin tưởng và phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng.
Ai có trách nhiệm cứu nạn khi xảy ra lũ lụt?
Theo khoản 2 Điều 29 Luật Phòng, chống thiên tai 2013 được sửa đổi bởi điểm e khoản 4 Điều 54 Luật Phòng thủ dân sự 2023, trách nhiệm tìm kiếm cứu nạn được quy định như sau:
– Tổ chức, cá nhân chủ động tìm kiếm cứu nạn và có trách nhiệm tham gia tìm kiếm cứu nạn theo sự huy động của cơ quan có thẩm quyền;
– Ủy ban nhân dân, Ban chỉ huy phòng thủ dân sự địa phương các cấp có trách nhiệm chủ động triển khai hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn; trường hợp vượt quá khả năng phải báo cáo, đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ban chỉ huy phòng thủ dân sự cấp tỉnh, Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia hỗ trợ;
– Các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm chủ động triển khai hoạt động tìm kiếm cứu nạn thuộc phạm vi quản lý; trường hợp vượt quá khả năng phải báo cáo, đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai hỗ trợ;
– Các đơn vị chuyên trách, kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tại một số bộ có trách nhiệm tổ chức thực hiện tìm kiếm cứu nạn theo sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia;
– Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức phối hợp thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi cả nước; chủ trì phối hợp với lực lượng hỗ trợ của quốc tế và khu vực trong tìm kiếm cứu nạn.
Như vậy, mọi tổ chức, cá nhân đều có thể chủ động cứu nạn và sẽ có trách nhiệm cứu nạn theo sự huy động của cơ quan có thẩm quyền khi xảy ra lũ lụt.