Bộ GD&ĐT mới đây đã công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT. Trong đó có đề cập đến phương án thi tuyển lớp 10 theo chương trình GDPT 2018.

(1) Thi lớp 10 có 02 môn bắt buộc, bốc thăm môn thứ 03

Năm 2025 tới đây, lứa học sinh đầu tiên bậc THCS sẽ học chương trình mới để thi vào lớp 10. Theo đó, Dự thảo được xây dựng để phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Cụ thể, Dự thảo Quy chế đề xuất 02 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 là xét tuyển hoặc thi tuyển như sau:

Về xét tuyển: Dự kiến căn cứ xét tuyển sẽ là kết quả rèn luyện và học tập trong suốt các năm trung học cơ sở. Học sinh lưu ban lớp nào thì lấy kết quả học lại của năm học lớp đó.

Về thi tuyển: 

Dự kiến, học sinh sẽ tham gia kỳ thi với 03 môn, bao gồm:

– 02 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn.

– 01 môn do bốc thăm ngẫu nhiên từ các môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Môn thi được bốc thăm sẽ được công bố trước ngày 31 tháng 3 hàng năm.

Thành phần tổ chức bốc thăm dự kiến gồm: lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện lãnh đạo các phòng trực thuộc Sở, thanh tra và các thành phần có liên quan khác do sở mời. Trong đó, biên bản bốc thăm môn thi phải có đầy đủ chữ ký của các thành viên tham gia.

Trường hợp là tuyển sinh vào trường trung học phổ thông chuyên thì mỗi môn sẽ có thêm 01 môn thi chuyên.

Theo đó, bên cạnh 02 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn thì các môn có thể được bốc thăm ngẫu nhiên bao gồm:

– Ngoại ngữ.

– Giáo dục công dân.

– Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học).

– Lịch sử và Địa lý.

– Công nghệ.

– Tin học.

– Giáo dục thể chất và Nghệ thuật.

Đề xuất: Thi lớp 10 có 02 môn bắt buộc, bốc thăm môn thứ 03

Về thời gian làm bài:

– Môn Toán: 90 phút.

– Ngữ văn: 120 phút và môn bốc thăm ngẫu nhiên không quá 90 phút. Đối với các môn thi chuyên, thời lượng sẽ là 150 phút.

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng có nêu rõ, các địa phương sẽ tự chủ trong việc ra đề thi, có thể lựa chọn giữa hình thức tự luận, trắc nghiệm hoặc kết hợp cả 02. 

Nội dung đề thi sẽ nằm trong chương trình giáo dục phổ thông mới, chủ yếu tập trung vào kiến thức lớp 09. Riêng đối với các môn thi chuyên, đề thi sẽ được xây dựng để đảm bảo chọn lọc ra những học sinh có năng khiếu thực sự.

Về công tác chấm thi: Dự thảo đề xuất như sau:

– Đối với các môn tự luận, Bộ yêu cầu tổ chức chấm chung ít nhất 10 bài, sau đó tiến hành chấm độc lập qua 02 vòng để đảm bảo sự thống nhất về tiêu chí đánh giá.

– Đối với các môn trắc nghiệm: Bài thi sẽ được chấm bằng máy để đảm bảo độ chính xác cao nhất. Học sinh tại đây có quyền phúc khảo nếu không đồng ý với kết quả chấm thi và quy trình phúc khảo sẽ được thực hiện theo các quy định chặt chẽ của Bộ GD&ĐT.

(2) Khung kế hoạch thời gian năm học 2024 – 2025 được quy định như thế nào?

Căn cứ Điều 1 Quyết định 2045/QĐ-BGDĐT năm 2024 quy định Ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2024 – 2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên áp dụng trong toàn quốc như sau:

– Tựu trường sớm nhất trước 01 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất trước 02 tuần so với ngày tổ chức khai giảng.

– Tổ chức khai giảng vào ngày 05 tháng 9 năm 2024.

– Kết thúc học kỳ I trước ngày 18 tháng 01 năm 2025, hoàn thành chương trình và kết thúc năm học trước ngày 31 tháng 5 năm 2025.

– Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 30 tháng 6 năm 2025.

– Hoàn thành tuyển sinh các lớp đầu cấp trước ngày 31 tháng 7 năm 2025.

– Thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 dự kiến diễn ra trong ngày 26 và ngày 27 tháng 6 năm 2025.

– Các kỳ thi cấp quốc gia khác được tổ chức theo quy định và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, đối với năm học 2024 – 2025 sẽ thực hiện theo khung kế hoạch như đã nêu trên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *