Hiện nay kinh tế ngày càng phát triển, nhu cầu thành lập doanh nghiệp của cá nhân, tổ chức ngày càng tăng cao. Và nhiều người còn băng khoăng rằng, khi thành lập doanh nghiệp thì nên chọn loại hình công ty nào? Công ty cổ phần, công ty TNHH một thành viên hay công ty TNHH hai thành viên trở lên? Và cần những điều kiện gì để thành lập các loại hình công ty này? Qua bài viết dưới đây, Vạn Luật sẽ giải quyết những vấn đề bạn đang gặp phải.
Khái niệm về các loại hình công ty:
Công ty TNHH một thành viên là doanh nghiệp có một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu, và chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Công ty TNHH một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tuy nhiên không được phép phát hành cổ phần và chỉ được phép phát hành trái phiếu.
Còn đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, đây cũng là một loại doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2020. Thành viên có thể là tổ chức hoặc cá nhân, và số lượng thành viên tối thiểu là 2 và không vượt quá 50. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 47 của Luật Doanh nghiệp 2020. Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các Điều 51, 52 và 53 của Luật này. Công ty TNHH hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cũng không được phép phát hành cổ phần nhưng được phép phát hành trái phiếu.
Theo Điều 111 của Luật Doanh nghiệp 2020, công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp có vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Cổ đông có thể là tổ chức hoặc cá nhân, số lượng tối thiểu là 3 và không hạn chế số lượng tối đa. Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này. Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và có quyền phát hành cổ phiếu, trái phiếu và các loại chứng khoáng khác.
Sự khác nhau giữa các hoại hình doanh nghiệp
Tiêu chí | Công ty TNHH một thành viên | Công ty TNHH hai thành viên trở lên | Công ty Cổ phần |
Số lượng thành viên | 01 thành viên góp vốn là chủ sở hữu công ty | Tối thiểu là 02 thành viên và tối đa là 50 thành viên góp vốn | Tối thiểu ít nhất 03 cổ đông, không hạn chế số lượng cổ đông tối đa |
Trách nhiệm nghĩa vụ tài sản | Chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn điều lệ | Chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp | Chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp |
Quyền phát hành chứng khoán | Không được phát hành cổ phần | Không được phát hành cổ phần | Có quyền phát hành cổ phần để huy động vốn |
Chuyển nhượng vốn | Trong trường hợp chuyển đổi một phần vốn cho người khác thì phải làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang công ty TNHH hai thành viên trở lên | Chuyển nhượng cổ phần nội bộ trong công ty hoặc có thể chuyển cho người bên ngoài nếu các thành viên không đồng ý mua lại phần vốn góp | Trong thời hạn 3 năm kể từ thời điểm thành lập doanh nghiệp, chỉ có thể chuyển nhượng cho các cổ đông sáng lập. Muốn chuyển nhượng cho người khác thì phải được các cổ đông sáng lập khác đồng ý |
Điều kiện thành lập các loại hình công ty này
Điều kiện về chủ sở hữu: Tổ chức và cá nhân phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng bị nhà nước cấm thành lập hoặc quản lý doanh nghiệp theo khoản 2 Điều 17 của Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Điều kiện về vốn: Vốn đầu tư thành lập doanh nghiệp phải phù hợp với lĩnh vực, ngành nghề và quy mô kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp kinh doanh trong ngành nghề yêu cầu vốn pháp định, vốn đầu tư ban đầu không được thấp hơn mức vốn pháp định đó.
Điều kiện về ngành nghề kinh doanh: Doanh nghiệp đăng ký kinh doanh không được hoạt động trong các ngành nghề bị cấm theo pháp luật. Nếu doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trong các ngành nghề yêu cầu chứng chỉ hành nghề, người quản lý và điều hành doanh nghiệp phải có chứng chỉ hành nghề lưu tại trụ sở công ty.
Điều kiện về tên công ty: Tên doanh nghiệp phải được đặt sao cho không trùng hoặc gây nhầm lẫn với các doanh nghiệp khác đã đăng ký. Tên doanh nghiệp phải có ít nhất hai thành phần là loại hình doanh nghiệp và tên riêng. Ví dụ: “CÔNG TY TNHH VẠN LUẬT”, loại hình là “TNHH”, tên riêng là “VẠN LUẬT”.
Điều kiện về trụ sở: Trụ sở của doanh nghiệp phải thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp. Không được sử dụng chung cư có chức năng để ở làm địa chỉ trụ sở công ty để thực hiện hoạt động kinh doanh.
Như vậy, Vạn Luật đã cung cấp cho bạn những thông tin về các loại hình doanh nghiệp thường gặp hiện nay. Ngoài ra, còn một số vấn đề liên quan đến thủ tục mà các bạn chưa hiểu rõ, có thể gọi ngay đến Vạn Luật để nhận được sự tư vấn tận tình nhất.
XEM THÊM:Thủ tục, quy trình xin giấy phép cities nhập khẩu cá koi
Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/