Bộ luật Lao động 2019 có nhiều cải tiến giúp nâng cao quyền lợi của người sử dụng lao động và người lao động, nhưng chỉ khi mọi người hiểu rõ về những luật định mới có thể mang lại lợi ích cho cá nhân và doanh nghiệp.

XEM THÊM: So sánh cấu trúc doanh nghiệp tại canada

Luật Lao động là gì?

Luật lao động được xem là một ngành độc lập trong Hệ thống pháp luật Việt Nam, với các quy định được thực thi dựa trên mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động hoặc những mối liên kết trực tiếp đến quan hệ lao động.

Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 và sẽ thay thế cho Bộ luật Lao động 2012 hiện hành. Dưới đây là những điểm mới đáng chú ý nhất của Bộ luật này.

1. Mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh

Nếu như Bộ luật Lao động 2012 quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động… trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động thì Bộ luật Lao động 2019 mở rộng thêm đối tượng là người làm việc không có quan hệ lao động cùng một số tiêu chuẩn riêng.

2. Tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi với nam, 60 tuổi với nữ

Điều 169 của Bộ luật Lao động mới quy định về tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường sẽ được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với nữ. Mỗi năm sau đó, tuổi nghỉ hưu của lao động nam tăng thêm 03 tháng và lao động nữ tăng thêm 04 tháng.

Ngoài ra, người bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay làm việc ở nơi có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn có thể được nghỉ hưu trước không quá 05 tuổi.

So với Bộ luật Lao động 2012, Bộ luật Lao động mới đã tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động lên đáng kể. Đồng thời, quy định về việc nghỉ hưu trước tuổi cho những công việc đặc thù cũng được ràng buộc và quy định rõ ràng hơn.

luật lao đông việt nam
luật lao đông việt nam

Tổng hợp Những Thay đổi Mới nhất trong Pháp luật Lao động đến năm 2021

Bộ luật Lao động 2019 có nhiều điểm mới đáng chú ý sau:

  • Mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh;
  • Tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình đến khi Nam đủ 62 tuổi và Nữ đủ 60 tuổi;
  • Tăng ngày nghỉ Quốc khánh lên 02 ngày;
  • Loại bỏ sử dụng hợp đồng lao động theo mùa vụ;
  • Chấp nhận các hình thức hợp đồng lao động điện tử;
  • Người cao tuổi được được ký hợp đồng xác định thời hạn nhiều lần;
  • Thời giờ làm thêm theo tháng sẽ tăng lên 40 giờ;
  • Bổ sung một vài trường hợp nghỉ việc riêng vẫn được hưởng nguyên lương;
  • Bổ sung trường hợp Người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không báo trước;
  • Người lao động có thể ủy quyền cho người khác nhận lương;
  • Với hình thức thanh toán lương qua ngân hàng, người sử dụng lao động phải trả phí mở tài khoản;
  • Nghiêm cấm các hành vi ép buộc người lao động sử dụng lương cá nhân để mua dịch vụ, hàng hóa của người sử dụng lao động hoặc do người sử dụng lao động chỉ định;
  • Cho phép các hình thức thưởng khác ngoài tiền;
  • Doanh nghiệp được chủ động trong việc xây dựng thang lương, bảng lương;
  • Doanh nghiệp phải gửi bảng kê chi tiết cho người lao động khi tiến hành trả lương;
  • Sửa đổi quy định về tiền đền bù khi bị chậm trả lương;
  • Loại bỏ quy định lương tối thiểu ngành;
  • Thay đổi quy định đối thoại tại nơi làm việc theo định kỳ thành 1 năm/lần;
  • Được phép ghi nhận nội dung thử việc trong Hợp đồng lao động;
  • Bổ sung trường hợp về thời gian thử việc;
  • Không thử việc với Hợp đồng lao động dưới 01 tháng;
  • Được sử dụng lao động nữ nuôi con dưới 1 tuổi làm ca đêm;
  • Lao động nam cũng được hỗ trợ chi phí gửi trẻ;
  • Giới hạn lại các trường hợp phải thanh toán tiền lương cho những ngày nghỉ hằng chưa nghỉ gồm trường hợp thôi việc, bị mất việc làm;
  • Thuê trẻ dưới 15 tuổi làm việc phải có giấy khám sức khỏe;
  • Sử dụng dưới 10 lao động cũng phải thỏa thuận nội dung về kỷ luật lao động trong hợp đồng lao động;
  • Bổ sung thêm các trường hợp người lao động được tạm hoãn Hợp đồng lao động;
  • Thay đổi định nghĩa ‘kỷ luật lao động’;
  • Bổ sung thêm các nội dung trong nội quy lao động, quy định cụ thể tại Điều 118 Bộ luật Lao động 2019;
  • Bổ sung thêm các trường hợp người lao động bị sa thải;
  • Quy định chi tiết các hành vi bị cấm khi xử lý kỷ luật.

Các Câu hỏi Thường gặp về Pháp luật Lao động

Thời giờ làm việc bình thường được quy định như thế nào trong Bộ luật Lao động?

Theo Điều 105.1 Bộ luật Lao động 2019 quy định rõ ràng về thời gian làm việc bình thường:

  • Không vượt quá 08 giờ trong 01 ngày; và
  • Không vượt quá 48 giờ trong 01 tuần.

Doanh nghiệp phải thông báo cho người lao động khi đưa ra quy định thời gian làm việc theo ngày hoặc tuần. Trong trường hợp làm việc theo tuần, người sử dụng lao động không được bắt buộc người lao động làm việc quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.

Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức áp dụng thời gian làm việc là 40 giờ đối với người lao động.

Bộ luật Lao động quy định hình thức xử lý kỷ luật lao động như thế nào?

Căn cứ vào Điều 124 Bộ luật Lao động 2019, doanh nghiệp được phép áp dụng 04 hình thức xử lý kỷ luật lao động sau:

  • Khiển trách;
  • Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng;
  • Cách chức;
  • Sa thải.

XEM THÊM: Các trường hợp gia hạn giấy phép lao động

Người lao động kết hôn thì được nghỉ mấy ngày vẫn hưởng nguyên lương?

Căn cứ theo Điều 115 Bộ luật Lao động 2019, người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn được hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau:

  • Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
  • Con đẻ hoặc con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
  • Bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ hoặc bố mẹ chồng chết, chồng hoặc vợ chết, con chết: nghỉ 03 ngày.

Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cần báo trước bao nhiêu ngày?

Theo Bộ Luật Lao động 2019, người lao động được quyền chấm dứt hợp đồng lao động đơn phương, tuy nhiên, họ phải báo trước cho doanh nghiệp theo các quy định sau đây:

  • Báo trước ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng không xác định thời hạn;
  • Báo trước ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng có thời hạn từ 12 đến 36 tháng;
  • Báo trước ít nhất 3 ngày đối với hợp đồng có thời hạn dưới 12 tháng;
  • Báo trước ít nhất 120 ngày đối với công việc, ngành nghề đặc thù được quy định tại Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

Tuy nhiên, người lao động có thể chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước nếu gặp phải một trong những trường hợp sau:

  • Không được bố trí làm việc đúng với vị trí, địa điểm hoặc làm việc trong điều kiện không đảm bảo theo thỏa thuận (trừ các trường hợp được quy định tại Điều 29);
  • Không được trả lương đúng hạn hoặc không đầy đủ lương (trừ các trường hợp được quy định tại Điều 97.4);
  • Bị đánh đập, ngược đãi hoặc có hành vi, lời nói nhục mạ, bạo lực ảnh hưởng đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; bị cưỡng bức lao động;
  • Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
  • Lao động nữ mang thai được nghỉ việc theo quy định tại Điều 138.1;
  • Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169, trừ các trường hợp được thỏa thuận giữa hai bên;
  • Người sử dụng cung cấp thông tin sai lệch theo quy định tại Điều 16.1 gây ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

Khi trả lương qua ngân hàng, người sử dụng lao động phải trả phí mở tài khoản

Nếu như trước đây, Bộ luật Lao động 2012 quy định khi trả lương qua tài khoản ngân hàng, người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về các loại phí liên quan đến việc mở và duy trì tài khoản (khoản 2 Điều 94).

Thì nay, Bộ luật Lao động mới quy định việc trả các loại phí liên quan đến mở tài khoản và phí chuyển tiền là trách nhiệm bắt buộc của người sử dụng lao động.

Cấm ép người lao động dùng lương để mua hàng hóa, dịch vụ của công ty

Bộ luật mới quy định người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động.

Đặc biệt, không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.

Người lao động có thể được “thưởng” không chỉ bằng tiền

Bộ luật Lao động 2019 quy định về “Thưởng” thay vì “Tiền thưởng” như Bộ luật cũ. Theo đó khái niệm thưởng cho người lao động cũng được mở rộng ra, có thể là tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào tiền lương của doanh nghiệp

Điều 93 Bộ luật Lao động 2019 quy định, doanh nghiệp được chủ động trong việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động trên cơ sở thương lượng, thoả thuận với người lao động.

Tiền lương trả cho người lao động là số tiền để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Khi trả lương, doanh nghiệp phải gửi bảng kê chi tiết cho người lao động

Nhằm minh bạch tiền lương của người lao động, Bộ luật này yêu cầu mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương người lao động, trong đó ghi rõ: Tiền lương; Tiền lương làm thêm giờ; Tiền lương làm việc vào ban đêm; Nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có)…

Thay đổi về tiền đền bù khi bị chậm trả lương từ năm 2023

Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương (trước đây lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố).

Không còn quy định lương tối thiểu ngành 

Mức lương tối thiểu chỉ còn được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng và giờ (bỏ quy định xác lập theo ngành và ấn định theo ngày so với quy định tại Bộ luật Lao động cũ).

Đối thoại định kỳ tại nơi làm việc 1 năm/lần

Thay vì tổ chức định kỳ 03 tháng/lần như hiện nay thì khoản 1 Điều 63 Bộ luật Lao động sửa đổi đã nâng thời gian tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc lên 1 năm/lần; đồng thời, bổ sung thêm một số trường hợp người sử dụng lao động phải tổ chức đối thoại như vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc; khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động…

Được ghi nội dung thử việc trong Hợp đồng lao động

Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.

Bổ sung trường hợp về thời gian thử việc

Thử việc không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Không thử việc với Hợp đồng lao động dưới 01 tháng

Khoản 3 Điều 24 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, không áp dụng thử việc với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng. Trong khi hiện nay, tại khoản 2 Điều 26 Bộ luật Lao động 2012, người lao động ký hợp đồng mùa vụ không phải thử việc.

Được sử dụng lao động nữ nuôi con dưới 1 tuổi làm ca đêm  

Theo điểm b khoản 1 Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động được sử dụng lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa nếu được người này đồng ý (trước đây không được).

Lao động nam cũng được hỗ trợ chi phí gửi trẻ 

Một trong những trách nhiệm của người sử dụng lao động quy định tại Điều 136 Bộ luật Lao động 2019 là giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động.

NLĐ đang làm việc không còn được trả tiền nếu chưa nghỉ hết phép 

Khoản 3 Điều 113 chỉ còn nêu 02 trường hợp là bị mất việc làm hoặc do thôi việc được thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm.

Thuê trẻ dưới 15 tuổi làm việc phải có giấy khám sức khỏe 

Khi muốn sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc thì người sử dụng lao động phải có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe của người chưa đủ 15 tuổi phù hợp với công việc.

Sử dụng dưới 10 lao động cũng phải có Nội quy lao động

Điều 118 Bộ luật Lao động 2019 quy định, người sử dụng lao động phải ban hành nội quy lao động. Trong trường hợp sử dụng từ 10 người lao động trở lên thì nội quy lao động phải bằng văn bản.

Ở Việt Nam, độ tuổi lao động theo quy định Bộ luật Lao động hiện hành là bao nhiêu?

Theo Bộ luật Lao động 2019, độ tuổi lao động được quy định như sau:

  • Người lao động phải đủ 15 tuổi trở lên;
  • Người lao động từ 13 đến 15 tuổi đối với những công việc nhẹ theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành;
  • Người lao động dưới 13 tuổi đối với các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao.

XEM THÊM: Đầu tư tại canada có những Điều kiện, thủ tục, lợi ích ra sao?

Bài viết này chứa đựng kiến thức pháp luật và thuật ngữ chuyên môn, quý độc giả có thắc mắc hoặc cần trao đổi về chuyên môn liên quan đến các quy định pháp luật lao động Việt Nam, vui lòng liên hệ các Luật sư Lao động của chúng tôi tại lienhe@vanluat.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *